Những bảo tàng PCCC độc đáo trên thế giới
Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta còn khá xa lạ với khái niệm “bảo tàng chữa cháy” nhưng tại một số nước, loại hình bảo tàng này đã rất phổ biến từ nhiều năm nay. Cùng tham khảo những bảo tàng phòng cháy, chữa cháy độc đáo trên thế giới
Bảo tàng chữa cháy Penrith (Sydney, Úc)
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng ta là Bảo tàng Penrith của đất nước kangaroo xinh đẹp. Đây không chỉ là bảo tàng chữa cháy có quy mô lớn nhất tại Úc mà còn là một trong số những bảo tàng sở hữu bộ sưu tập PCCC lớn nhất trên thế giới.
Bước chân vào bảo tàng, chúng ta sẽ được tìm hiểu từ cơ chế phát sinh ngọn lửa đến cách ngăn chặn và dập tắt nó; được ngỡ ngàng, trầm trồ trước con số thống kê các vụ cháy trong lịch sử địa phương; được hiểu thêm về công việc hàng ngày của người lính cứu hỏa nơi đây từ năm 1910.
Các bộ phim về PCCC khiến chúng ta phải rùng mình về sự tàn phá kinh hoàng của hỏa hoạn đồng thời không khỏi ngưỡng mộ lòng dũng cảm của những con người luôn sẵn sàng chiến đấu với tử thần.
Bảo tàng Penrith có bộ sưu tập các loại xe chữa cháy đầy ấn tượng từ năm 1841 đến năm 1998, cùng với đồng phục, điện thoại, hệ thống radio, công cụ chữa cháy và các thiết bị bảo vệ của lính cứu hỏa.
Bên cạnh đó, bảo tàng còn có nhiều hoạt động vui chơi dành riêng cho trẻ em như trải nghiệm cảm giác được điều khiển một chiếc xe cứu hỏa mini hoặc trực tiếp được ngồi trên chiếc xe cứu hỏa thật sự… Ngoài ra, bảo tàng cũng phối hợp với nhà trường tổ chức các buổi học thực tế về PCCC, các kỹ năng thoát hiểm đám cháy, kỹ năng cứu người gặp nạn khi xảy ra
Bảo tàng chữa cháy Tokyo (Nhật Bản)
Tại xứ sở hoa anh đào, Bảo tàng Chữa cháy Tokyo là nơi lưu giữ lịch sử chữa cháy của Nhật Bản. Nơi đây lưu giữ những hiện vật từ thời kỳ Edo, khi các ngôi nhà hầu hết được xây bằng gỗ san sát nhau còn nguồn cung cấp nước lại khá khan hiếm. Chỉ một ngọn lửa cũng đủ để nuốt trọn cả một khu phố với tốc độ kinh hoàng, gây thiệt hại và thương vong cực kỳ nghiêm trọng. Vì vậy, phương pháp hiệu quả nhất được lựa chọn trong thời kỳ này là phá hủy luôn ngôi nhà đang cháy để ngăn chặn tốc độ lây lan của lửa.
Thời kỳ Meiji, công nghệ chữa cháy được hiện đại hóa với sự xuất hiện của xe chữa cháy bằng hơi nước do ngựa kéo nhập khẩu từ châu Âu.
Đến với thời kỳ hiện đại, tại bảo tàng sẽ được chiêm ngưỡng từng bước trong cả quá trình chữa cháy tính từ khi người lính chữa cháy nhận lệnh lên đường.
Điểm hấp dẫn nhất của bảo tàng là chiếc máy bay trực thăng được lắp vĩnh viễn trên sân thượng của tòa nhà mà ta có thể thực sự ngồi bên trong. Qua chiếc màn hình trong buồng lái, ta sẽ được trải nghiệm cảm giác như một người lính chữa cháy thực thụ đang giúp đỡ người gặp nạn từ trên không.
Bảo tàng Parque de Bombas (Ponce, Puerto Rico)
Bảo tàng Parque de Bombas nằm trong Thị trấn Ponce của Puerto Rico – thiên đường ngập tràn biển xanh và cát vàng. Parque de Bombas có lối kiến trúc độc đáo, nổi bật với 2 gam màu đen – đỏ, thu hút cảm hứng sáng tạo của nhiều nhiếp ảnh gia.
Trong lịch sử, nơi đặt bảo tàng này cũng chính là trạm chữa cháy đầu tiên của Puerto Rico. Tên của bảo tàng được ghi trong Sổ đăng ký quốc gia về địa danh lịch sử, cho thấy vai trò quan trọng của nó đối với lịch sử và xã hội của vùng đất này.
Bảo tàng lưu giữ những thiết bị chữa cháy, mô hình trạm chữa cháy, hình ảnh tưởng niệm những người lính chữa cháy đã dũng cảm bảo vệ thành phố khỏi nhiều trận hỏa hoạn có thể đã trở thành thảm kịch tàn khốc.
Bảo tàng Chữa cháy New York (Mỹ)
Có thể nói, Mỹ là quốc gia có số lượng Bảo tàng Chữa cháy “khủng” nhất trên thế giới với xấp xỉ khoảng 300 bảo tàng trải khắp các bang trên toàn lãnh thổ. Một trong số đó là bảo tàng của Sở Cứu hỏa New York.
Ngay khi ghé thăm bảo tàng này, chúng ta có thể xem nhiều hiện vật, tài liệu lưu trữ, hình ảnh về các hoạt động chữa cháy của lính cứu hỏa New York.
Tương tự các bảo tàng chữa cháy khác, chúng ta cũng sẽ bắt gặp bộ sưu tập các loại xe cứu hỏa từ thô sơ đến hiện đại; trang phục và các thiết bị bảo hộ của lính cứu hỏa như: rìu, vòi, mũ bảo hiểm…
Bên trong bảo tàng còn có một khu vực dành riêng để tưởng nhớ 343 người lính cứu hỏa thuộc Sở cứu hỏa New York đã hy sinh trong vụ tấn công ngày 11 tháng 9.