Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), tổ liên gia an toàn PCCC là tập hợp các hộ gia đình, nhà để ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh liền kề nhau. Các hộ gia đình gần nhau sẽ liên kết lại trở thành một tổ liên gia an toàn PCCC, chung tay cùng đảm bảo an toàn PCCC&CNCH trong quá trình kinh doanh, sinh hoạt.
Mô hình tổ liên gia an toàn PCCC bao gồm: 5 đến 15 hộ gia đình (nhà để ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) liền kề nhau. Mỗi nhà sẽ bố trí ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và tối thiểu 1 dụng cụ phá dỡ, đồng thời trang bị 1 chuông báo cháy tại tầng 1, lắp đặt 2 nút ấn báo cháy (1 nút ấn ở trong nhà, 1 nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp tại mỗi hộ gia đình.
Nút nhấn và chuông báo cháy của các gia đình yêu cầu phải liên kết với nhau, đảm bảo khi 1 nhà nhấn nút toàn bộ chuông của các gia đình trong tổ liên gia đều kêu, ngoài ra có thể liên kết trực tiếp với điện thoại của gia chủ, nhận cuộc gọi báo cháy qua điện thoại.
Như vậy các thiết bị cần thiết để xây dựng “tổ liên gia an toàn PCCC gồm có: 1 chuông báo cháy; 2 nút nhấn báo cháy; Từ 1 - 2 bình chữa cháy xách tay; một dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu…)
Vì tổ liên gia an toàn PCCC gồm từ 5 đến 15 nhà liên kết với nhau nên để lắp đặt một tổ liên gia theo hướng dẫn của Cục cảnh sát PCCC chỉ mất khoảng hơn 1 triệu đồng cho mỗi nhà. Các chi phí này khá là hợp lý đối với mức thu nhập của người dân.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, cả nước đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 12.910 tổ liên gia an toàn PCCC và 13.568 điểm chữa cháy công cộng. Mô hình tổ liên gia an toàn PCCC đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH của các hộ gia đình.
Qua đó tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về PCCC. Đặc biệt, trong thời gian qua, tại nhiều địa phương, tổ liên gia an toàn PCCC đã phát hiện và xử lý hiệu quả các vụ cháy ngay từ khi mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản.
Cả nước hiện có hơn 12 nghìn tổ liên gia an toàn PCCC
Cũng theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, nhiều địa phương làm tốt công tác nhân rộng mô hình tổ liên gia an toàn PCCC như: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nam, TP.HCM, Khánh Hòa...
Điển hình là TP.HCM, Thái Nguyên xây dựng mỗi đơn vị cấp xã có ít nhất 1 mô hình tổ liên gia an toàn PCCC.
Đến nay, trên toàn quốc đã thành lập 79.672 đội dân phòng trên tổng số 103.568 (thôn) đơn vị thuộc diện phải thành lập đội dân phòng với 808.118 thành viên.
Hàng năm, lực lượng này đã phát hiện và dập tắt kịp thời trên 50% tổng số vụ cháy xảy ra, góp phần ngăn chặn cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.